Sinh năm 1982 tại
Nghệ An, Nguyễn Công Hùng là người tật nguyền có ý chí phi thường vươn
lên trong cuộc sống. Với những thành tích đã đạt được trong lĩnh vực
công nghệ thông tin, Công Hùng đã trở thành một tấm gương cho nhiều bạn
trẻ tật nguyền biết cách phấn đấu, học hỏi để làm chủ cuộc sống và khẳng
định tiếng nói của mình trong xã hội.
Là con đầu lòng sinh ra
lành lặn và khỏe mạnh trong một gia đình nông dân tại xã Nghi Diên, Nghi
Lộc, Nghệ An. Năm Nguyễn Công Hùng tròn 2 tuổi thì bị căn bệnh quái ác
khiến cậu trở thành người bại liệt toàn thân. Bố mẹ Hùng ở vùng quê
nhiều thương khó đã tìm đủ mọi cách chắt bóp, vay mượn đưa con đi khắp
các bệnh viện lớn nhỏ trong nước để chữa trị, nhưng các bác sĩ đều vô
phương trước căn bệnh của Hùng.
Không những không có khả năng đi
lại, mà càng ngày Hùng càng không thể ngồi vững hoặc điều khiển cơ thể
mình. Hùng nằm, ngồi một chỗ và việc di chuyển hoàn toàn phụ thuộc vào
người khác. Hàng ngày, bố mẹ Hùng thay nhau chăm sóc cậu, bế Hùng đến
trường học chữ. Nhưng rồi, dù rất muốn con được đến trường như chúng
bạn, song đến năm lớp 7, bố mẹ Hùng đành lòng phải cho con nghỉ học vì
Hùng không đủ sức khỏe để tiếp tục con đường học tập.
Không chỉ
thế, sau khi sinh đứa em gái kế tiếp Hùng lành lặn, khỏe mạnh và phát
triển bình thường, thì đứa em gái thứ 3 của Hùng, em Nguyễn Thảo Vân,
lại mắc phải căn bệnh giống hệt anh. Vậy là đang phải lo lắng cho Hùng,
bố mẹ em lại càng vất vả hơn để lo cho cô con gái út. Cuộc sống túng
quẫn nơi làng quê nghèo xác xơ cứ đè nặng lên vai những con người trong
ngôi nhà rách nát, túng bấn.
Nguyễn Công Hùng gắn bó với chiếc máy tính. Ảnh: ANTG.
Cha
mẹ Hùng, những người nông dân chân lấm tay bùn đành phó thác số phận
mình và các con cho ông trời định đoạt. Hùng vẫn còn nhớ, có nhiều đêm
thức trắng chăm lo cho hai anh em, mẹ cậu không giấu được những giọt
nước mắt chảy dài trên má với bao câu hỏi: Liệu hai anh em Hùng, hai cái
cơ thể không có khả năng đi lại, không có khả năng tự điều khiển, tự
sinh hoạt, tự chăm lo cho mình, đặt đâu ngồi đó bất lực với chính sự
tỉnh táo của trí óc mình, liệu sẽ làm gì, sẽ nương tựa, sẽ sống ra sao
khi cha mẹ già yếu...?
Bao nỗi lo toan, bao giọt nước mắt của mẹ
đã đổ xuống thân thể héo hon của hai anh em Hùng nóng hổi, đủ để cậu bé
Công Hùng cảm nhận được rằng, nếu cứ nằm yên một chỗ, nếu cứ để cho cuộc
sống trôi qua nặng nề từng ngày, từng ngày như thể một sự hành hạ,
vướng bận của người thân thì quả thật đó là một chốn đày ải tối tăm.
Xuất phát từ sự thương mẹ thương cha, xuất phát từ một nghị lực sống
trong trí óc thông minh mà ông trời vẫn còn ban cho như một sự nương tay
của số phận và một trái tim nóng hổi dù không còn lành lặn, khỏe mạnh.
Nguyễn Công Hùng đã bắt đầu có những bước đi khởi đầu thay đổi cuộc đời
và số phận mình, thoát ra khỏi sự bất lực của cơ thể tật nguyền và những
định kiến của xã hội.
Dù cơ thể bất động nhưng may mắn là ngón
tay cái và ngón tay trỏ của Hùng vẫn có khả năng di chuyển. Ban đầu Hùng
sử dụng hai ngón tay ấy để chơi game khi bố cậu mua cho cậu cái máy
chơi điện tử, nhưng cũng đã giúp Hùng vận động trí óc và đó là giai đoạn
tiền đề để sau này, khi được tiếp xúc lần đầu tiên với một chiếc máy
tính cũ mèm mà bố mang về, Hùng đã bị ma lực của công nghệ thông tin còn
sơ khai cuốn hút.
Hùng chia sẻ: "Từ ngày có chiếc máy tính, tôi
như trở thành một người hoàn toàn khác, bao nhiêu thứ có thể khiến cho
tôi chán ngay tức khắc, nhưng khi lạc vào thế giới của chiếc máy tính
với sự biến ảo kỳ diệu của nó đã khiến cho tôi được thỏa sức tung hoành
dù thời điểm ấy, tôi cũng không biết là mình sẽ phải làm gì với cái máy
cũ kỹ nhưng lại vô cùng tinh vi và hấp dẫn này. Từng cái click chuột,
những cái biểu tượng trên màn hình máy tính với đầy những ký tự lạ mắt,
những từ tiếng Anh khó hiểu đôi khi khiến cho tôi cảm thấy bế tắc, nhưng
lại là một động lực cho tôi chinh phục thế giới hiện đại. Sau này, khi
có mạng Internet, những cái gọi là web, là thông tin toàn cầu với bao
điều mới lạ đã như một ma trận lạ lẫm đầy cuốn hút đối với tôi, như thể
tôi sinh ra là để dành cho thế giới đầy sự khám phá ấy".
Cuộc đời
Hùng từ đó bắt đầu gắn liền với chiếc máy tính. Mỗi một ngày, khi thức
dậy cho đến lúc đi ngủ. Hùng không ngờ rằng, với trí thông minh thiên
bẩm và sự học hỏi nhanh nhạy, cậu đã có khả năng thiết kế web. Mặc dù,
thời điểm ấy, công nghệ thông tin và việc thiết kế các trang web để giới
thiệu về tổ chức của mình còn xa lạ với nhiều người. Công nghệ thông
tin chưa phát triển, Internet chưa thịnh hành trong cuộc sống thường
ngày tại các thành phố lớn, nói gì đến cái làng quê bé nhỏ nơi Hùng đang
sống. Cậu vừa làm việc tại nhà vừa dạy học cho các bạn trẻ trong xã,
nhận thiết kế các trang web trên mạng.
Đến năm 2003, Hùng thành
lập nhóm "Nối vòng tay lớn" tại xã Nghi Diên - Nghi Lộc - Nghệ An quy tụ
những thanh niên tại xã trong đó có cả những người khuyết tật và những
thanh niên lành lặn để đào tạo, phổ cập kiến thức tin học. Trung tâm của
Hùng đã giúp đỡ được hàng trăm người khuyết tật, trẻ mồ côi tại Nghệ An
có một hướng đi cho cuộc đời mình, giúp họ cải thiện đời sống để giảm
thiểu gánh nặng cho gia đình. Hùng cùng các bạn của mình xây dựng
website
conghung.com
giúp các bạn yêu thích tin học tìm hiểu thêm các thủ thuật máy tính,
Internet... Những việc làm của Hùng tại vùng quê nhỏ đã trở thành một
tấm gương lớn vượt qua chính mình và trở thành một địa chỉ tin cậy cho
các bạn tật nguyền, những số phận không may mắn tìm đến như một chỗ dựa
tinh thần giúp họ sống có ích cho xã hội.
Tiếng lành đồn xa,
tháng 5/2005, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) đã đưa Công
Hùng vào "Danh mục kỷ lục Việt Nam" về người khuyết tật bị bại liệt toàn
thân đầu tiên làm giám đốc. Ngày 11/8 năm đó, Nguyễn Công Hùng được mời
ra Hà Nội đón nhận danh hiệu "Hiệp sĩ công nghệ thông tin năm 2005" vì
những đóng góp không vụ lợi của mình cho cộng đồng. Hùng cũng đã xuất
hiện trong chương trình Người đương thời, tiếp tục nêu cao tấm gương
vượt khó vươn lên bằng sức mạnh bàn phím.
Năm 2008, với những
thành công ban đầu của nhóm "Nối vòng tay lớn", Nguyễn Công Hùng đã mang
trên vai tinh thần thiện nguyện đưa nhóm những người khuyết tật ra Hà
Nội quyết tâm lập nghiệp tại Thủ đô. Hùng quan niệm, chỉ ở những thành
phố lớn với sự phát triển vượt bậc mới có thể giúp Hùng và nhóm của mình
được học tập, nâng cao trình độ để tiến kịp với sự phát triển vũ bão
của công nghệ thông tin.
Cái tên "Trung tâm Nghị lực sống" từ đó
trở thành một địa chỉ quen thuộc của nhiều người tật nguyền. Và trung
tâm đã nhận được nhiều giải thưởng trong đó có giải thưởng đặc biệt "Cơ
sở đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật tốt nhất" trong cuộc
thi Victa Awards 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bản thân Hùng
nhận được hàng chục bằng khen, giải thưởng của các cấp cao nhất. Ngày
20/3/2011, Hùng đã vinh dự được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao
tặng Kỷ niệm chương "15 năm - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu".
Nguyễn Công Hùng và bạn gái Nguyễn Thị Phương. Ảnh: ANTG.
Dù
không thể tự lo cho mình, sống phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe lăn,
nhưng chính nghị lực sống của Công Hùng đã kéo anh lại gần hơn với những
yêu thương trong cuộc đời. Có nhiều cô gái là những người bình thường
trong xã hội, học tập tại các trường đại học, cao đẳng tự nguyện đến
chăm sóc Hùng như sẻ chia một sự tâm giao giúp người bạn của mình đi
tiếp trên con đường tìm được nghị lực sống. Trong số đó, có Nguyễn Thị
Phương (26 tuổi), một cô gái sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tốt nghiệp
đại học, quen Hùng trong những lần đi làm tình nguyện, cô đã về sống
cùng các bạn trong ngôi nhà chung "Nghị lực sống" để có cơ hội chăm sóc
Công Hùng sớm tối.
Phương chia sẻ: "Trước khi quen anh Hùng, tôi
đã có bạn trai. Những lần đi làm tình nguyện, gặp gỡ, chia sẻ cùng anh
những vui buồn trong cuộc sống, tôi nhận ra rằng, tôi và anh Hùng có quá
nhiều điểm chung để có thể gắn bó với nhau. Anh Hùng tuy không giàu có
về tiền bạc, không đi lại bình thường để có thể chở che cho tôi như cách
mà tất cả những người phụ nữ cần ở người bạn trai của mình, nhưng bù
lại, anh Hùng lại có một trái tim yêu thương chân thành và một tấm lòng
nhân ái khiến tôi xúc động. Có nhiều người khi thấy chúng tôi đi cùng
nhau, khi ăn uống tôi phải bón từng thìa cơm, thìa nước cho anh ấy, bế
anh ấy trên tay, họ nhìn với ánh mắt nghi ngờ, có người cho rằng tôi giả
tạo, có người nghĩ tôi điên rồ, cũng có người còn đoán rằng rồi tôi sẽ
sớm bỏ rơi anh ấy...
Tôi chấp nhận hết tất thảy những lời đoán
định ấy và thản nhiên bước đi và ở một khía cạnh nào đó, tôi hạnh phúc
vì được chia sẻ cùng anh nhiều điều trong cuộc sống. Có người biết
chuyện cho rằng, tôi thật dại dột vì tự làm khổ chính mình, vì bản thân
tôi, bất cứ lúc nào cũng có thể tìm được một người đàn ông có thể đỡ
đần, lo toan cho mình. Nhưng từ khi gắn bó với anh Hùng, tôi biết rằng,
anh ấy cần tôi. Vì không phải ai cũng chấp nhận được một người cả ngày
nằm bất động một chỗ, mọi công việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa đều phải có
người phục vụ. Đêm ngủ thì 20 phút lại phải trở người cho anh ấy một
lần vì nếu không thì các mạch máu của anh ấy sẽ không được lưu thông và
tê buốt...
Hơn một năm qua, chúng tôi cũng đã nỗ lực đi đến các
bệnh viện trong nước để tìm các phương pháp có thể sinh con, tôi muốn
sinh cho anh một đứa con khỏe mạnh xinh đẹp để có thể giúp anh ấy cũng
như gia đình anh ấy được hạnh phúc. Tất cả những điều đó, đều vượt qua
những cái gọi là tình cảm đơn thuần giữa người nam và người nữ. Tôi
không quá duy tâm nhưng tôi nghĩ rằng, kiếp trước tôi và anh ấy có duyên
có nợ, và giờ đây, tôi phải đi cạnh cuộc đời anh ấy. Dù biết khó khăn,
dù biết còn đầy những gian nan nhưng tôi biết chúng tôi có thể vượt
qua...".
Hỏi Công Hùng về ước mơ của mình, Hùng chia sẻ: Đã nhiều
năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin với một tinh thần
thiện nguyện, nhưng "Trung tâm Nghị lực sống" vẫn chưa có một địa chỉ
chính thức, nay đây mai đó, đã 6 lần chuyển nhà vì nhiều lý do khác
nhau. Điều này gây ra bao xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống, học tập của
học viên cũng như thành quả hướng nghiệp cho người khuyết tật. Dù trung
tâm đã có đơn thư nguyện vọng gửi đến các cấp chính quyền xin mua nhà
thu nhập thấp, nhưng đã nhiều năm qua vẫn chưa có câu trả lời nào để hy
vọng, dù là rất nhỏ nhoi. Vì vậy, Hùng quyết định kêu gọi sự giúp đỡ của
cộng đồng qua chương trình "Viên gạch của bạn, ngôi nhà cho Nghị lực
sống".
Qua chương trình này, Trung tâm mong muốn đón nhận sự
chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm để mua một căn hộ làm nơi học
tập, sinh hoạt ổn định và cư trú miễn phí cho các học viên khuyết tật
đến học nghề tại Trung tâm. Bởi vì Hùng muốn khẳng định rằng, những
người tật nguyền, không phải là những người chỉ biết nằm một chỗ bất
lực, mà họ hoàn toàn có khả năng làm việc phù hợp. Như các bạn tại trung
tâm của Hùng, trước mặt họ là màn hình máy vi tính với bề bộn công việc
kinh doanh, thiết kế đồ họa, lập trình, tạo website, đặt vé máy bay...
thu nhập cũng đủ cho họ có những chuyến đi dã ngoại, sắm sửa, giúp đỡ
gia đình như bao nhiêu con người bình thường khác...
Theo An Ninh Thế Giới
(Ảnh internet)
Đăng nhận xét